blog image

EVFTA: Cơ hội cho nông sản Việt

EVFTA được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn nhưng cũng là thách thức đòi hỏi sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn.

Việt Nam đã hội nhập quốc tế mạnh mẽ và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu EU (EVFTA) được coi là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0% với lộ trình ngắn), có cơ chế thực thi chặt chẽ. 

EU hiện là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta (sau Trung Quốc và Mỹ) với kim ngạch chiếm 11,75% thị phần. Với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD, EU được đánh giá là thị trường lớn có mức thu nhập cao. 

EVFTA được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi sản xuất nông nghiệp nước ta cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. 

BA TRỤ CỘT CÓ THỂ KHAI THÁC LỢI THẾ TỪ EVFTA

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định 3 trụ cột có thể khai thác lợi thế từ EVFTA. 

Thứ nhất, về thương mại nông sản, hiện nay chúng ta xuất khẩu sang thị trường EU khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Với giá trị này, chúng ta chỉ chiếm 4% thị trường nhập khẩu nông sản của EU bởi tổng giá trị nhập khẩu nông sản của EU là 160 tỷ USD/năm. Đây chính là tiềm năng. 

Thứ hai, là công nghệ của các quốc gia châu Âu rất tốt, đặc biệt là máy móc chế biến nông sản, vấn đề này ngành nông nghiệp đang yếu trong chuỗi giá trị sản phẩm. 

EVFTA: Cơ hội cho nông sản Việt - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ ba, là nâng cao hiệu lực quản lý của ngành nông nghiệp. Nếu không hoàn thiện thể chế quản lý, chúng ta sẽ bị bật ra khỏi cuộc chơi. Với việc tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và EU, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho cả ba khu vực: quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân. 

Chúng tôi xác định, thị trường EU còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Vì vậy, tất cả nhóm ngành hàng chúng ta có lợi thế thì cần phải triển khai nhanh, đồng bộ trên cả quy mô lớn, nhỏ. Qua hơn 2 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), xuất khẩu nông sản sang thị trường EU trong tháng 8 và 9 đã tăng 15-17% so với tháng 7. Với đà tăng này, những tháng còn lại của năm 2020, xuất khẩu nông sản sang EU dự kiến tiếp tục tăng mạnh hơn nữa. 

Với EVFTA, chúng ta không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối về xuất khẩu sang EU, mà thông qua thị trường này để làm "tín chỉ" chứng minh trình độ sản xuất nông sản Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đến cấp độ đi đến bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Từ đó, mở rộng quá trình tổ chức sản xuất tạo sinh kế, lợi nhuận cho bà con nông dân.

Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành hàng theo hướng tập trung sản xuất hàng hoá theo chuỗi liên kết từ nguyên liệu, chế biến và đặc biệt là bao bì, nhãn mác. Chúng tôi xác định một số nhóm ngành đang có lợi thế như rau quả, thủy sản, nhóm sản phẩm cây công nghiệp để tập trung khai thác. Những nhóm ngành hàng này đã tập trung đẩy nhanh công tác sản xuất chuỗi, chuẩn bị kỹ về kỹ năng thương mại để hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Bên cạnh đó là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU.

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, trong quý cuối năm, toàn ngành nông nghiệp dự kiến sẽ khánh thành 10-12 dự án lớn, tập trung vào khâu yếu nhất là chế biến nông sản. Điển hình như khánh thành một nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản thúc đẩy ngành thuỷ sản nhanh hơn. Nhà máy là kết quả của sự hợp tác giữa Việt Nam và EU thể hiện tinh thần "win - win". Đồng thời, khánh nhà máy lớn chế biến sản phẩm chăn nuôi ở Bình Phước, nhà máy chế biến rau quả lớn ở Sơn La... 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang hoàn thiện chương trình hành động để triển khai EVFTA cả khu vực quản lý nhà nước, khu vực tư nhân, hiệp hội các ngành hàng và khu vực người dân với phương châm hành động "hai bên cùng thắng" chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Muốn làm được điều đó, bắt buộc phải thực hiện tái cơ cấu các ngành hàng bởi thị trường EU không phải một cái chợ mà chúng ta muốn bán gì thì bán.

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, trong quý cuối năm, toàn ngành nông nghiệp dự kiến sẽ khánh thành 10-12 dự án lớn, tập trung vào khâu yếu nhất là chế biến nông sản.

(Nguồn: https://vneconomy.vn)